Sinh thời, Bác Hồ vẫn dạy “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên…”. Lời dạy đó vẫn còn nguyên giá trị cho mọi người phấn đấu trong mọi lĩnh vực. Điều đó càng có ý nghĩa đối với học sinh trong việc “luyện nét chữ, rèn nết người” bây giờ. Giáo dục lòng kiên trì cho học sinh là một trong những nội dung của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong nhà trường.
Hiện nay, phong trào “Vở sạch chữ đẹp” được ngành giáo dục phát động và các trường học thực hiện có hiệu quả. Có rất nhiều cuộc thi Viết chữ đẹp, và đặc biệt có cả cuộc thi của giáo viên. Lúc mới đi học, không ai viết đẹp ngay được, nhưng do rèn luyện mà chữ viết mỗi người một khác. Vì thế mới có câu “Chữ viết thể hiện tính người”. Chữ viết cẩn thận thể hiện tính nết con người cẩn thận. Chúng ta cứ chịu khó rèn luyện thì dù không có “hoa tay” vẫn có được nét chữ như ý muốn.
Xin giới thiệu với độc giả lời tâm sự của một người đã từng rèn luyện kiên trì cùng với biện pháp giáo dục rất hiệu quả của cô giáo chủ nhiệm, để chữ viết từ chỗ “xấu như gà bới” đã đẹp như ý muốn. Nhân vật tôi đang nhắc tới trong bài viết là ông Nguyễn Văn Đồng – Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh – Trung Quốc (từ tháng 4/2004 đến tháng 12/2007). Tuy câu chuyện xảy ra cách đây đã lâu, nhưng bài học về lòng kiên trì rèn luyện đó thì không bao giờ cũ.
Ông Nguyễn Văn Đồng kể lại rằng:
“… Khi học lớp 5A, trường Thiếu nhi Việt Nam tại Quế Lâm (Trung Quốc), tuy học rất tốt nhưng tôi lại là một trong những học sinh viết chữ xấu nhất lớp. Các thầy cô nhắc nhở mãi mà chữ viết của tôi vẫn không tiến bộ, bèn trừ điểm vì bài viết quá xấu. Hết bài kiểm tra này đến bài kiểm tra khác, tôi đều bị thầy cô giáo trừ điểm vì chữ xấu quá. Lâu ngày quen đi, tôi cam chịu việc bị trừ điểm hàng ngày mà không mảy may bận tâm suy nghĩ điều gì cả. Cho tới một hôm, cô giáo chủ nhiệm lớp (Cô Phạm Hạnh Mỹ) gọi tôi lên đứng trước lớp. Tay cô cầm một phong thư giơ ra cho tôi và cả lớp xem. Qua nét chữ tôi nhận ra thư bố gửi cho mình.
Rồi cô đưa thư cho tôi và bảo bóc thư ra. Tôi sung sướng muốn phát khóc vì lại nhận được thư bố từ trong nước gửi sang. Tưởng là có chuyện gì nghiêm trọng, hóa ra là nhận thư. Hôm nay sao cô lại gọi mình lên đứng trước lớp rồi mới đưa thư cho mình nhỉ? Mọi khi, cô đi xuống từng bàn đưa thư cho học trò cơ mà? Tôi ôm thư bố vào ngực mình và định chạy về bàn để đọc thư thì cô bảo:
– Em Đồng, khoan đã! Em hãy đưa cô mượn bức thư của bố em vài phút!
Tôi vụng về đưa bức thư cho cô. Cô liếc nhìn qua bức thư rồi giơ ra cho cả lớp xem và nói: Các em nhìn xem. Chữ của bố bạn Đồng trong thư viết có đẹp không? Bây giờ các em xem chữ của bạn Đồng nhé
Nói rồi cô lục tìm trong tập bài tâp làm văn của cả lớp mà cô sắp trả, lấy ra bài làm của tôi rồi giơ cho cả lớp xem. Cô nói:
– Chữ của Bố bạn Đồng thì rất đẹp. Thế mà chữ bạn Đồng ở lớp ta thì xấu quá, phải không các em?
Nói rồi cô quay sang tôi nói:
– Em Đồng, em phải cố gắng nhé! Em có đồng ý không?
Lúc ấy, hai tai tôi cứ nóng bừng bừng. Tôi xấu hổ cúi mặt xuống, đáp lí nhí:
– Thưa cô, có ạ!
Rồi cô đưa trả thư và cho tôi về chỗ.
Bức thư của bố hôm đó tôi đọc nhiều lần lắm, đọc đến thuộc lòng rồi mà vẫn đọc nữa. Rồi khi các bạn đã đi ngủ, tôi lấy bài của mình ra so sánh với nét chữ của bố. Quả là chữ bố tôi đẹp thật! Nét nào ra nét ấy ! Còn chữ của tôi thì như gà bới. Trong thư, ngoài việc nhắc nhở tôi chú ý giữ gìn sức khoẻ và học tập tốt, bố còn nhắc đến tấm gương Mạc Đĩnh Chi, Cao Bá Quát đã từng luyện viết chữ đẹp ra sao… Trong lòng tôi thấp thoáng một niềm tự hào, một niềm kiêu hãnh nho nhỏ, trẻ con về nét chữ của bố tôi. Từ hôm đó, những lúc rỗi tôi lại hí hoáy tập viết theo nét chữ của bố. Viết mãi, viết mãi mà không thấy chán.
Lên lớp 6, tôi bất ngờ được cô chỉ định vào Ban bích báo để viết chữ cho tờ báo tường của lớp. Tự thấy chữ mình còn xấu hơn một số bạn trong lớp, tôi cứ nằng nặc xin cô chọn bạn khác. Tuy nhiên, cô vẫn giao nhiệm vụ nặng nề đó cho tôi và nhắc nhở tôi cố gắng viết đẹp. Để hoàn thành việc cô giao, tôi đã gắng hết sức mình, không phụ lòng mong mỏi ấy. Sau này tôi mới hiểu rằng đó là biện pháp riêng mà cô muốn giúp tôi luyện chữ đẹp.
Rồi tôi về nước học lớp 7 trường Phổ thông cấp 2 tại 47 phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Một lần trong giờ học, thầy giáo tôi kể chuyện Bác Hồ lúc mới ra tù, sức khoẻ rất yếu: mắt đã mờ, chân run. Bác đã tập đi, rồi tập leo núi, tập nhìn xa. Vậy là bằng lòng kiên trì và ý chí nghị lực vượt khó khăn, cuối cùng, Người đã có một sức khoẻ dẻo dai, có thể trèo đèo lội suối, cùng bộ đội ta đi chiến dịch. Thầy đã giúp tôi hiểu rằng: con người muốn đạt được mục đích đã đặt ra cần phải có nghị lực và lòng kiên trì. Tôi lại tiếp tục việc luyện chữ… Rồi tôi lại được thầy giáo chủ nhiệm chọn vào ban Ban Bích báo của lớp. Lúc này tôi đã tự tin hơn, vì thấy chữ của mình cũng tàm tạm.
Rồi khi tôi lên cấp 3, vào đại học, đi bộ đội, không còn nhiều cơ hội để luyện viết nữa. Vì muốn tiếp tục luyện chữ nên đi đến đâu, ở đơn vị nào tôi cũng xin làm thành viên Ban Bích báo. Từ chỗ luyện viết chữ nhỏ, sau này tôi có thể viết cả chữ to, trình bày đầu đề báo, vẽ trang trí cho tờ báo. Tờ Bích báo cuối cùng tôi viết là tờ báo tường “Mừng xuân dâng Đảng” của Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn 241, Quân đoàn 1 đóng ở thị trấn Rịa, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Sau Tết, tờ báo mà tôi dành trọn một đêm 30 tết, một mình viết và trình bày đã giành được giải nhất của Lữ đoàn. Đó là kỷ niệm tôi không bao giờ quên được.
Thật kỳ lạ! Từ việc luyện chữ, tính kiên trì của tôi cũng được rèn luyện như thói quen. Nó đã giúp tôi hoàn thành tốt nhiều việc khó khăn mà cấp trên giao phó…”
Những chia sẻ trên đây chỉ là một trong số muôn ngàn ví dụ về rèn luyện tính kiên trì, và nhờ kiên trì mà đạt được kết quả như ý muốn. Trong mỗi con người đều tiềm ẩn những nhân tố, nếu người thầy biết khai thác hết sẽ giúp học trò phát huy và có ý chí vươn lên; còn với học sinh, nếu kiên trì nhẫn nại thì ắt thành công. Tài năng của một con người chỉ gồm 10% thiên bẩm, còn 90% là do luyện rèn.
Nhớ lại chuyện Bác Hồ nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, với ý chí nghị lực và lòng kiên trì, Người đã tự học và biết rất nhiều ngoại ngữ. Bằng nghi lực và ý chí của người Cộng sản, Bác đã tìm ra con đường cứu nước và đưa Cách mạng Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Đó chẳng phải là bài học từ ý chí và nghị lực cộng với lòng kiên trì đó sao? Thiết nghĩ lấy việc luyện nét chữ rèn nết người của ngành giáo dục cũng là sự rèn luyện tính kiên trì cho học trò. Đó cũng là một cách thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong nhà trường ngày nay. Mong rằng các học trò hãy phát huy khả năng thiên bẩm, và kiên trì nhẫn nại để luôn có một nét chữ đẹp, thể hiện nết người ngoan.